Slumdog Millionaire
Triệu Phú Khu Ổ Chuột
Đạo diễn: Danny Boyle, Loveleen
Diễn viên: Dev Patel, Anil Kapoor, Saurabh Shukla, Rajendranath Zutshi
Nhà sản xuất: Fox Searchlight Pictures
Thể loại: Tâm lý, Tình Cảm
Độ dài: 120 phút
Quốc gia: Ấn Độ
Năm sản xuất: 2008
Một bộ phim gây sững sờ với những câu chuyện về tuổi thơ từ khu ổ chuột của một cậu bé Ấn Độ, cảm giác kỳ lạ khi xem "Ai là triệu phú" trên phim ảnh, thấm thía sự vô nghĩa của đồng tiền khi đặt cạnh tình yêu. Phim giành Oscar 2009.
Jamal Malik 18 tuổi (Dev Patel đóng) tham gia trò chơi "Who wants to be a millionaire" (Ai là triệu phú) không mang theo giấc mơ giành được 20 triệu rupee. Anh chỉ muốn xuất hiện trên chương trình truyền hình mà người con gái anh yêu rất thích xem. Nhưng đó lại là cơ hội để Jamal nhớ lại quãng thời gian tuổi thơ chưa xa - mồ côi, lăn lộn trên đường phố, trong khu nhà ổ chuột, trộm cắp, lừa đảo... để kiếm sống.
Còn gì xúc động hơn khi nhà tân triệu phú trẻ tuổi - người vừa bước ra từ cuộc thi được mô tả "đầy phép nhiệm màu" và làm sôi sục cả Ấn Độ - ngồi thu lu trên sân ga, gặm nhấm nỗi cô đơn? Anh chờ đợi một mối tình tưởng vô vọng, nhưng Latika (người mẫu Freida Pinto) đã xuất hiện. Đây là cô gái đã ở trong tim Jamal từ khi anh chỉ là một cậu bé 6 -7 tuổi. Cô còn đơn độc hơn anh, phải ngồi dưới cơn mưa vì không có chốn nương thân. Anh đã để tuột mất cô khi cùng anh trai chạy trốn khỏi băng đảng xã hội đen. Nhiều năm qua đi, tên cô vẫn là những chữ đầu tiên anh gõ vào màn hình vi tính khi có cơ hội tìm kiếm trong hệ thống tổng đài điện thoại. Anh cả gan tới nhà của tên trùm xã hội đen khi biết cô ở đó. Anh van xin cô đi với anh. "Rồi sao? Rồi chúng ta sẽ sống bằng gì?" - cô hỏi. "Bằng tình yêu".
Làm bộ phim về tình yêu và không muốn động chạm tới chính trị, nhưng đạo diễn người Anh Danny Boyle đã làm nhiều người thuộc tầng lớp cao trong xã hội Ấn Độ nổi giận vì cho rằng anh bôi xấu đất nước này. Kịch bản phim dựa trên cuốn tiểu thuyết Q&A của Vikas Swarup. Tuổi thơ của Jamal trong phim được viết lại từ một phần ký ức của một người thực: Manju (22 tuổi), một thanh niên Ấn Độ thoát khỏi cuộc sống khu ổ chuột không phải nhờ Ai là triệu phú, mà nhờ được tham gia chương trình đào tạo của một tổ chức phi chính phủ. Manju bảo, tuổi thơ của anh còn tồi tệ hơn những gì được kể trong Slumdog Millionaire. Với anh, "ổ chuột" nghĩa là may mắn, còn có nơi che mưa che nắng. Còn anh phải sống trên đường phố, chui trong ống thoát nước.
Trong phim, đất nước Nam Á hiện ra không rực rỡ sắc màu, không hào nhoáng lộng lẫy mà chỉ có những khu phố của người nghèo, thế giới ngầm của những tay ma cô, gái điếm. Rồi nơi ở của anh em Jamal và Salim cũng cựa mình trở thành đô thị mới với những ngôi nhà chọc trời. Dòng đời đưa đẩy họ đi theo những con đường khác nhau.
Slumdog Millionaire mở đầu ở đoạn cuối cùng của chương trình Ai là triệu phú, khi Jamal chỉ cách chiến thắng đúng một câu hỏi. Nhưng thực tại lại là cảnh anh đang ở đồn cảnh sát, bị đánh đập, chích điện để buộc anh khai "sự thật". Chẳng ai tin một người phục vụ trà nước trong tổng đài điện thoại, vô học, nghèo khó lại có đủ kiến thức để trả lời những câu hỏi như "Tờ 100 USD in hình chính khách nào của Mỹ?", hay "Ai chế tạo ra súng lục?". Jamal ngồi đối mặt với thanh tra cảnh sát và khán giả được xem những dòng phim hồi tưởng. Từng cảnh quay, từng chi tiết được lựa chọn rất kỹ để gây ấn tượng mạnh. Cậu bé Jamal đã nhảy xuống hố phân để thoát khỏi nhà vệ sinh công cộng, chạy đến xin chữ ký của minh tinh màn bạc Bachchan. Cậu đã được một du khách Mỹ cho tờ 100 USD duy nhất trong đời. Cậu đã bị anh trai nhắm thẳng khẩu Colt 45 vào giữa trán...
Những cái ngẫu nhiên xuất hiện quá nhiều trong phim - nhiều hơn ba lần vốn là mức độ bình thường khán giả có thể chấp nhận được. Nhưng trong trường hợp Slumdog Millionaire, những ngẫu nhiên này như định mệnh, như nỗi đau từ ký ức của tuổi thơ đầy sóng gió.
Bộ phim được quay ở Mumbai, có kinh phí "ruồi" nếu so với những siêu phẩm Hollywood: 10 triệu bảng (chỉ bằng 1/10 của bộ phim cũng đình đám không kém trong năm - The Curious Case of Benjamin Button), và có lẽ đã được chọn phương án phát hành DVD thay vì chen chân ở rạp. Tiền ít nhưng chất lượng nghệ thuật cao. Phim từng giành giải thưởng tại 60 Liên hoan phim, mang về bốn giải Quả cầu vàng, bảy giải Bafta. Không chọn trục thẳng, nhà quay phim Anthony Dod Mantle đã sử dụng trục nghiêng ở hầu hết các khuôn hình, tạo cảm giới chới với, xô lệch như cuộc sống của các nhân vật. Anh cũng dùng máy quay kỹ thuật số tốc độ cao để ghi lại những cảnh nơi xóm nghèo và đường phố Mumbai. Hình ảnh đẹp, âm nhạc hip-hop, kịch bản chặt chẽ, những cảnh giữa hồi tưởng và thực tại được cắt dựng nhanh, trơn tru như những đường kẻ chỉ xộc thẳng từ ký ức của Jamal. Tất cả để tạo ra những nỗi đau. Ngay cả niềm vui cũng song hành cùng nỗi đau.
p/s: hay, ý nghĩa